Sôi động và nhiều khởi sắc
VHO- Năm 2022 vừa qua đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của thị trường âm nhạc Việt sau đại dịch và được nhìn nhận là năm tạo nên nhiều dấu ấn khi có hàng loạt sản phẩm được ra mắt. Sau thời gian vắng bóng, các cuộc bình chọn âm nhạc cũng như lễ hội quy mô được tổ chức đã tạo thêm sinh khí tươi mới cho làng nhạc Việt. Đáng chú ý, tổng số tiền tác quyền thu tăng 61% so với năm 2021.
Lễ hội Âm nhạc quốc tế “Hò zô” đã tạo dựng được thương hiệu văn hóa riêng
“Bùng nổ” sau thời gian dồn nén vì đại dịch
Vừa qua, nhiều cuộc bình chọn âm nhạc đã công bố các vị trí: MV, album, ca khúc, ca sĩ… được yêu thích và xuất sắc nhất năm, nổi bật có thể kể đến giải thưởng Làn sóng Xanh, Zing Music Awards (Zing MP3 - Best of 2022), Top Video ca nhạc nổi bật nhất năm trên YouTube và mới đây Giải thưởng Cống hiến 2023. Đáng chú ý, Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP.HCM - “Hò zô” sau lần đầu tiên tổ chức năm 2019, mãi đến năm 2022 mới trở lại đã tạo nên không khí vô cùng phấn chấn, sôi động cho thị trường nhạc Việt những ngày cuối năm.
Giải thưởng Làn sóng Xanh năm nay trở lại với hạng mục Album của năm sau vài năm tạm ngưng vì thị trường không có đủ album đề cử. Dù nhạc số đang thống lĩnh nhưng album, đặc biệt là các album vật lý vẫn có đời sống riêng. Theo biên tập viên Kim Thanh, đại diện BTC Làn sóng Xanh, sau 2 năm dịch bệnh, các dự án riêng lẻ của các nghệ sĩ dồn lại, dẫn đến việc bùng nổ hình thức album và E.P (đĩa đơn mở rộng). Đề cử của hạng mục này trong năm 2022 đều là những album được đầu tư kỹ lưỡng, có ý tưởng sáng tạo, âm nhạc thống nhất và tạo được hiệu ứng trong đời sống. Có thể kể đến Colours của ca - nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền; LINK của Hoàng Thùy Linh; Cong của Tóc Tiên; 50/50 của Min 5; Một triệu năm của Vũ… Lễ trao giải Làn sóng Xanh cũng đã diễn ra vào ngày 5.1 vừa qua.
Bên cạnh đó là nhiều album, E.P nổi bật khác như: E.P Yên của Hoàng Dũng; Gieo - Band Ngọt; Du hành vào tâm trí - GiGi Hương Giang; Dự báo thời tiết hôm nay mưa - Grey D; Chiều hôm ấy anh thấy màu đỏ - Wren Evans; dongvui harmony - Đen Vâu; KOSMIK - nhóm SpaceSpeakers; Citopia - Phùng Khánh Linh… Xu hướng ra mắt album nở rộ trong năm 2022 là tín hiệu đáng mừng, làm cho đời sống âm nhạc Việt thật sự sôi động và nhiều màu sắc.
Báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) cũng vừa công bố các nội dung Giải thưởng Cống hiến 2023 (tên gọi trước đây là Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến). Mùa giải năm nay, giải thưởng mở rộng thêm mảng thể thao. Giải Cống hiến Âm nhạc từ năm 2023 sẽ được tổ chức duy trì với các hạng mục: Chương trình của năm, Album của năm, Nhà sản xuất của năm, Nhạc sĩ của năm, Bài hát của năm, Music video của năm, Nghệ sĩ mới của năm, Nam ca sĩ của năm và Nữ ca sĩ của năm. Ở hạng mục MV của năm là sự cạnh tranh của các MV: 906090 (sáng tác Mew Amazing; thể hiện Tóc Tiên); Gieo quẻ (Khắc Hưng, Hoàng Thùy Linh, Đen); Hai mươi hai (Hứa Kim Tuyền, Amee); Một bước vô tình (Huy Tuấn, Hà Trần); Ngày đầu tiên (Khắc Hưng, Đức Phúc); Hope (Lê Vụ Viết Thịnh, Tùng Dương); Diễn viên tồi (Đen, feat. Thành Bùi, Cadillac)… Được biết, Top 5 đề cử sẽ công bố vào ngày 16.2, bầu chọn vào trung tuần tháng 3.2023. Đêm trao giải dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3.2023.
Hoàng Thùy Linh tiếp tục gây ấn tượng với album “LINK”
Hoạt động bảo vệ tác quyền đạt kết quả ấn tượng
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa tổng kết hoạt động năm 2022 vào ngày cuối cùng của năm. Báo cáo cho biết, số lượng thành viên ký hợp đồng ủy quyền năm 2022 tăng thêm 341 tác giả so với năm trước. Tổng số thành viên ủy quyền tại Trung tâm đến nay là 5.312 tác giả. Trong năm 2022, tính từ ngày 1.1 - 29.12, tổng số tiền thu tác quyền (chưa bao gồm thuế GTGT) là gần 256 tỉ đồng, tăng 61% so với năm 2021, chạm mục tiêu đã đề ra tương đương con số 10 triệu USD/năm. Trung tâm đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến chủ sở hữu quyền tác giả trên 160 tỉ đồng, tăng 51% so với năm 2021; dự kiến chi trả vào tháng 1.2023 (phân phối quý IV năm 2022) là 91,5 tỉ đồng. Đây là năm có số tiền phân phối cao nhất so với các năm trước, góp phần giải quyết đáng kể những khó khăn của các tác giả thành viên trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
Theo Tổng Giám đốc VCPMC Đinh Trung Cẩn, trong năm 2022, Trung tâm đã tiến hành khảo sát, thu thập tài liệu, chứng cứ đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả ở các lĩnh vực sử dụng âm nhạc theo quy định của pháp luật; hỗ trợ pháp lý đối với hoạt động cấp phép sử dụng tác phẩm; đốc thúc các đơn vị thanh toán nợ, công nợ theo hợp đồng, khởi kiện tranh chấp hợp đồng ra Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết bằng biện pháp dân sự hoặc hành chính. Trong tổng số 30 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng mà VCPMC tiến hành, hiện đã giải quyết xong 14 vụ, còn lại 16 vụ đang trong quá trình tiến hành; một số vụ đang thu thập, hoàn thiện hồ sơ để khởi kiện. Được biết, hiện VCPMC đã ký thỏa thuận hợp tác với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền với phạm vi điều chỉnh ở 154 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tổng kết hoạt động Âm nhạc năm 2022, nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM nhận định, có thể nói đây là một năm có rất nhiều bứt phá. Về công tác quảng bá tác phẩm, Hội đã sản xuất nhiều chương trình nổi bật và thực hiện phát sóng liên tục hằng tuần trên kênh Fanpage và YouTube của Hội Âm nhạc TP.HCM, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Cần Thơ, Bến Tre… Thư viện âm nhạc thiếu nhi được Hội đầu tư và chú trọng trong nhiều năm qua tại kênh YouTube cũng gặt hái được nhiều thành quả. Rất nhiều các cơ sở, mái ấm, trường học, nhà thiếu nhi đã hoan nghênh sử dụng file audio để dàn dựng và biểu diễn trong các cuộc liên hoan hoặc trong giảng dạy. Mỗi năm, Hội đều cập nhật thêm rất nhiều tác phẩm mới chất lượng, được dàn dựng thành những chương trình bài bản để góp phần quảng bá âm nhạc thiếu nhi, giúp các em có nhiều chất liệu âm nhạc phục vụ cho đời sống tinh thần. Trong thời gian tới, Hội Âm nhạc TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào công tác quảng bá để những sáng tác của hội viên dễ dàng được tiếp cận bởi khán giả yêu âm nhạc trên cả nước…
THÙY TRANG